1. Có lần bố mẹ mình có mâu thuẫn nhỏ, cả hai cãi vã nhau rồi từng người một quay ra “kể xấu” về người kia với mình. Lúc đó, bố mẹ mình đã cưới nhau hơn 30 năm, ngoại trừ những lúc hờn giận cãi vã ra thì hai người là một cặp đôi tương đối tình cảm, tới nỗi không chỉ người ngoài mà đến con cái còn phải ghen tị. Mình nghe xong mới quay ra hỏi bố:
– Sao bố mẹ lấy nhau suốt mấy chục năm rồi mà bố vẫn chưa hiểu mẹ ạ? Con chịu đấy, có chuyện bé tí thế mà bố mẹ cũng cãi nhau được.
Bố mình mới thủng thẳng đáp lại:
– Thế mấy đứa trẻ con chúng mày nghĩ là hiểu được người khác dễ lắm hả? Ở với nhau suốt mấy chục năm chắc gì đã hiểu được tính nhau.
Nghe bố mình nói câu đó, trong lòng mình có chút tò mò, kiểu: Sao lại thế nhỉ? Nhưng lúc đó, mình vẫn chưa chú tâm tìm hiểu lắm.
Cho tới sau này, khi đã bắt đầu làm cộng đồng Review Chuyện Ấy được hơn 1 năm, rồi trực tiếp va vấp với hàng trăm, hàng ngàn tình huống của các cặp đôi – từ cả những người đang yêu hay đã kết hôn, mình mới phải gật gù công nhận: Bố nói chuẩn đét! Quả nhiên người đã có kinh nghiệm hôn nhân trên 30 năm mà lại còn làm tốt cái việc đấy thì chắc chắn không đùa được. =))
2. Thường thì với các bạn tìm tới mình để tư vấn hay để trao đổi vấn đề thông qua các khoá học, khi mình hỏi các bạn rằng: Chồng/vợ/người yêu em là người như thế nào?, có nhiều bạn rất nhanh chóng mô tả về người ấy bằng một từ trong số những tính từ “mang tính khái quát hoá” như thế này: hiểu chuyện, ngoan, sạch sẽ, chu đáo, cứng đầu, bướng bỉnh, bảo thủ, thông minh, có chí tiến thủ, hiền lành, tốt tính, nóng tính, hay giận dỗi, thích được chiều,…
Thoạt nghe, cảm giác như ở những cặp đôi đó, các bạn đã hiểu rõ nhau lắm rồi ấy, vì tới mức còn mô tả được về nhau rõ ràng thế cơ mà. 😀 Thế sao những cặp đôi đó khi gặp mâu thuẫn thì họ vẫn chẳng thể nào tự xử lý được mà cần tới sự hỗ trợ của người khác? Hoặc tệ hơn là rất nhiều bạn đã từng có lúc phải thốt lên với mình rằng:
– Em chẳng hiểu chồng em đang nghĩ cái gì nữa chị ạ!
– Chị ơi, tâm lý của cô ấy như thế này là thế nào ạ? Em không biết giờ nên làm sao cả.
Tệ hơn nữa thì sau một thời gian tưởng chừng như “rất hiểu nhau”, cuối cùng có những đôi lại đi tới bước chia tay rất nhanh, mặc dù có thể trước đó chỉ mới vài tháng, họ vẫn còn vui sướng ca ngợi nhau bằng những tính từ vô cùng tốt đẹp. 😀
Mình đã gặp nhiều trường hợp như thế tới mức hình thành luôn phản xạ rằng: Nếu một ai đó hay mô tả về người yêu/bạn đời mình chỉ với một vài tính từ khái quát và lại tỏ vẻ như là đã am hiểu về người kia lắm rồi, thì sự thật là cặp đôi đó vốn rất lười tìm hiểu và thực sự họ chẳng hiểu quái gì về nhau cả.
3. Trở lại với câu chuyện của bố mẹ mình, thì cũng cho tới khi làm cộng đồng Review Chuyện Ấy, cộng với những trải nghiệm “thất bại” trong chuyện tình cảm cá nhân, mình mới phần nào lý giải được điều bố mình nói.
Để đạt được mức gắn bó với nhau qua nhiều năm mà vẫn trân trọng và thương mến nhau, các cặp đôi vốn đã cần tới rất nhiều sự kiên nhẫn và nỗ lực để thông cảm cho nhau rồi. Nhất là vào những lúc một trong hai người gặp khó khăn trong công việc, sức khoẻ đau ốm, tiền bạc túng thiếu hoặc gia đình lớn nhỏ có biến cố nào đó. Bởi càng trong hoàn cảnh khó thì con người ta càng dễ cạn kiệt tinh thần lạc quan, những yêu đương ngọt ngào bay biến hết, mọi tính xấu cứ vô tình lộ ra rõ mồn một trước mặt người kia. Nếu lúc đó vẫn muốn giữ nguyên tính “chấp nhặt” với đối phương thay vì tăng sức chịu đựng lên mà bao dung cho họ, thì chắc chắn cặp đôi nào cũng “toang” chỉ sau vài ba năm chung đường.
Rồi kể cả khi đã hiểu và cùng nhau trải qua nhiều điều như vậy (như cách bố mẹ mình đã ở bên nhau hơn 30 năm), thì nhiều tình huống mâu thuẫn, cãi vã vẫn có thể tiếp tục xảy ra. Bởi lẽ:
– Thứ nhất, tính cách con người không dễ thay đổi, nhất là những tính xấu. Trần đời, ai cũng có tính xấu. Một tính xấu có thể sẽ lặp đi lặp lại trong nhiều năm và tạo ra vô số tình huống gây tranh cãi.
– Thứ hai, theo thời gian và không gian luôn biến đổi, con người cũng thay đổi dần (sinh lão bệnh tử) và nảy sinh thêm vô số mong muốn hay những thói quen, tính cách mới. Điều đó dẫn tới đôi bên lại cần nỗ lực tìm hiểu và thích nghi từng chút với phiên bản mới của nhau thì mới ổn.
4. Thực ra, bố mẹ mình cũng như vô số cặp vợ chồng hạnh phúc trên 20 năm khác, chẳng ai hay nói những điều lý thuyết như thế này. Bố mẹ mình cũng không khái quát tính cách xấu của người kia bằng tính từ rồi đem đi kể lể với người ngoài hay mang lên mạng xã hội.
Mình sau rất nhiều năm mới hiểu và trân trọng tình cảm của bố mẹ mình vô cùng qua từng hành động nhỏ. Khi bố mình đi nhậu say về nhà nằm mệt mê man, mẹ mình dù tức giận lắm (tại nói không chịu nghe mà :D), nhưng việc đầu tiên mẹ làm vẫn là để yên cho bố ngủ rồi vào bếp nấu một nồi cháo thật ngon. Tới khi bố ngồi ăn cháo, mẹ sẽ ở bên cạnh không nhịn nổi nữa mà càu nhàu vài câu, nhưng bố chỉ yên lặng ăn chứ không cự cãi bất cứ điều gì, vì bố biết cũng chỉ có mỗi mình mẹ mới lo lắng chu đáo cho bố được như thế.
Mình cũng mê cái cách bố mẹ mình cứ lầm lũi đi qua những ngày gian khó cùng nhau. Từ thời chưa hề có điện thoại, mẹ mình vẫn quen với cảnh bố mình đi làm xa suốt vài tháng mới về một lần, mình mẹ ở nhà vừa đi làm, vừa xoay sở những khi con nhỏ đau ốm mà không hề than vãn. Ngược lại, bố mình cứ đi đâu về tới nhà là lao vào dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt quần áo bằng tay cho mẹ. Bố mình chịu khó đưa mẹ đi chơi, nghe mẹ kể lể đủ thứ chuyện mà không bao giờ chán (chán thì bố càu nhàu với mình =))). Bố cũng khuyến khích và giúp mẹ học cao lên, biết làm đẹp và ăn mặc có gu hơn để tự tin và có công việc tốt, sau này đỡ vất vả.
Hai người họ luôn mỗi người một việc, học cách teamwork nhịp nhàng mà khéo léo như một đội ong thợ để cùng đi qua biết bao thăng trầm trong đời sống. Thế nên, kể cả tới khi họ kỷ niệm 40 năm hay 50 năm ngày cưới, mình vẫn nghĩ là sẽ có lúc cặp đôi đó giận dỗi, cằn nhằn gì nhau thôi :D, nhưng xét về mức độ thấu hiểu nhau thì hơn đứt hàng triệu triệu đôi trẻ bây giờ.
5. Hồi nhỏ, chúng ta thường hay đọc truyện cổ tích có Công chúa và Hoàng tử. Sau khi trải qua một vài kiếp nạn, kết truyện sẽ là câu “Từ đó về sau, Công chúa và Hoàng tử sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi.” (Hay là chính những tác giả viết truyện cổ tích cũng chẳng biết hạnh phúc trông như thế nào nên họ khum biết viết gì nữa nhỉ??? =))
Nhiều bạn lầm tưởng câu này là thật, nên các bạn hình dung về “biểu đồ hạnh phúc” khi yêu hay sau khi kết hôn sẽ là một đường thẳng tưng dốc chéo lên từ trái sang phải, biểu thị cho trạng thái hạnh phúc luôn đong đầy và tăng tiến liên tục theo thời gian. Hoặc chí ít, các bạn mong nó phải là một đường thẳng tắp song song với trục hoành nằm ngang, biểu thị cho cảm giác hạnh phúc sẽ luôn ngọt ngào, tươi mới y như những ngày đầu mới quen nhau thì mới ổn chứ? 😀
Thế nhưng, thực tế là biểu đồ hạnh phúc sẽ dao động trồi sụt theo ngày, theo tháng và theo năm dựa trên vô vàn yếu tố tác động tới chúng ta. Có lúc chúng ta thấy yêu thương người kia dạt dào và cũng có lúc thấy khó chịu với họ, chỉ cần nhìn mặt đã thấy ghét. Thậm chí là khó chịu tới mức làm nhau tổn thương biết bao lần, rồi phải lo “chữa lành” cho nhau nữa.
Vậy nên, với mình thì biểu đồ hạnh phúc của các cặp đôi có khả năng gắn bó lâu dài sẽ là một đường hơi ziczac lên xuống, nhưng vẫn chéo lên theo hướng từ trái sang phải.
Nó biểu thị cho cảm xúc yêu có thể lúc tăng lúc giảm theo thăng trầm của cuộc sống, nhưng không khi nào bị tụt xuống quá sâu. Đồng thời, theo thời gian thì mức độ thấu hiểu nhau và khả năng chịu đựng gian khó sẽ ngày càng tốt hơn, khiến sau cả một quãng dài nhìn lại, họ vẫn thấy tình yêu dù trải qua nhiều biến động nhưng vẫn đang tăng trưởng đều. Tới cuối mỗi ngày, nhìn thấy nhau là cảm giác thân thuộc, dễ chịu cứ len lỏi mãi trong tim khiến chúng ta ăn ngon, ngủ ngon và có sức để ngày mai lại đương đầu tiếp với cuộc sống.
6. Mình nghĩ, không nhiều người trong xã hội có thể làm được những điều phi thường. Dù chúng ta thường mong cầu hay thường gặp những content trên mạng về thành công, nhưng đa số chúng ta cũng sẽ không quá giàu có hay đạt được gì siêu xuất chúng. Chúng ta chỉ đơn thuần trải qua những thăng trầm của cuộc sống, của thời đại. Nhiều người còn không thể được như thời của ông bà, bố mẹ mình về mức độ hạnh phúc (dù thế hệ trước họ vẫn cãi nhau như thường).
Cái đáng giá nhất mà tất cả mọi người mong mỏi cho tới tận cuối đời vẫn chỉ là có sức khoẻ tốt, có tinh thần vui vẻ, gia đình yên ấm, bình an. Mà bước đầu tiên để phần nào đạt được nó thì phải là học cách hiểu mình, hiểu người, hiểu cách tương tác với nhau thế nào trong một mối quan hệ tình cảm thì mới mong mọi thứ diễn ra suôn sẻ, bền vững hơn được.
Khoá học RCA Academy 18+ của chúng mình không hướng tới dạy các bạn những chiêu trò cao siêu. Chúng mình cũng không muốn “lùa gà” để các bạn chơi game nhập vai ảo, cố trở thành nhân vật quyến rũ vạn người mê hay gì hết. Chúng mình chọn nói những nguyên lý cơ bản của mối quan hệ yêu đương, vợ chồng, nhưng có thể nhiều bạn chưa từng biết hoặc chưa từng được ai nói cho để hiểu nó một cách sâu sắc và vận dụng nó vào đời sống như thế nào.
Do đó, các bạn nào tự cảm thấy bản thân đang là những con người bình thường và luôn nỗ lực để tốt hơn qua từng ngày nhưng vẫn loay hoay chưa biết cách, các bạn có thể tham khảo khoá học RCA Academy 18+ của chúng mình nhé. Chúng ta sẽ tìm cách trở thành những người-bình-thường-hạnh-phúc cùng nhau.
Thông tin khoá học RCA Academy 18+ dành cho nữ: https://reviewchuyenay.com.vn/2023/11/10/khoa-hoc-18-rca-academy-danh-cho-nu/
Thông tin khoá học RCA Academy 18+ dành cho nam: https://reviewchuyenay.com.vn/2023/12/06/khoa-hoc-18-rca-academy-danh-rieng-cho-ban-nam/