Những mẩu cảm xúc li ti (2)

Trong phần 1, mình đã phân tích sơ bộ cho các bạn biết những lý do vì sao đàn ông thường khó lắng nghe hay chia sẻ được cảm xúc với vợ/bạn gái của mình.

Và mình đặt câu hỏi rằng: Có cách nào để các cặp đôi dung hòa được chuyện này hay không? Phải làm sao để các bạn gái vẫn thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ cảm xúc, còn các bạn nam không bị áp lực hay không bị người ấy suy diễn thành người vô tâm với bạn gái nữa?

Câu trả lời của mình là các bạn cần dạy nhau những “nguyên tắc” khi chia sẻ cảm xúc.

Hôm nay là một số điều mà các bạn nam cần làm để xử lý vấn đề này.

Về phía nam giới

1. Khi các bạn cũng đang mệt mỏi hoặc đang bận xử lý việc khác chứ chưa thể dành thời gian trò chuyện với cô ấy, thì cần THÔNG BÁO TRƯỚC cho cô ấy biết.

Ví dụ:

– Hôm nay anh đang mệt và cần thời gian tập trung suy nghĩ cho công việc. Anh offline chút tới tối anh sẽ nói chuyện với em sau nhé.

– Cho anh 30 phút, anh xử lý xong việc này (anh chơi nốt ván game này/ xem xong bộ phim này đã) rồi anh sẽ tập trung nói chuyện với em nhé.

Sai lầm của khá nhiều bạn nam trẻ tuổi trong những tình huống này là nôn nóng muốn thể hiện rằng mình đang ưu tiên cô ấy lên hàng đầu, nên các bạn làm song song hai việc một lúc. Tuy nhiên, bộ não của nam giới thường không “đa nhiệm” như vậy, nên các bạn gái sẽ dễ dàng nhận ra là bạn đang thờ ơ, không tập trung hoàn toàn vào câu chuyện của cô ấy. Kết quả là bạn sẽ bị cô ấy dỗi ngược.

2. Khi vấn đề của cô ấy nghe có vẻ rối ren, bạn cảm thấy không thể hiểu nổi logic của phụ nữ, vậy hãy khuyến khích cô ấy TỰ VIẾT RA.

Ví dụ:

– Anh biết em đang có chuyện buồn nhưng chưa nói được với anh. Anh không phải là người giỏi nắm bắt suy nghĩ của con gái. Thế nên, em thử nhắn tin cho anh rồi viết ra những suy nghĩ của em xem thế nào. Lát nữa anh sẽ đọc và cùng em xử lý việc đó. Vì anh không muốn khi em ở bên anh mà lại cảm thấy buồn bã hay tủi thân gì hết.

Viết suy nghĩ ra cũng là một cách giúp những cô gái đang có cảm xúc tiêu cực có thời gian để bình tâm lại, thay vì muốn người khác phải phản hồi ngay. Vì khi họ nhận được phản hồi từ bạn trai ngay lúc đó (ví dụ bạn trai sẽ sốt sắng hỏi, phân tích câu chuyện, khuyên nhủ cô ấy, v.v…) – nhưng đôi khi các bạn nam không khéo ăn nói sẽ dễ nói ra điều gì đấy thẳng thắn quá. Lúc này, cảm xúc tiêu cực của bạn gái sẽ suy diễn câu nói đó thành một nghĩa khác, châm ngòi cho mọi thứ bùng lên thành một trận cãi nhau to hơn.

Sau khi viết ra xong, cô ấy đã nguôi cơn khó chịu, bạn còn có thể khuyến khích cô ấy tự đọc lại và thử tự phân tích xem mình suy nghĩ như vậy đã hợp lý chưa, hay có cách nào khác để giải quyết vấn đề hay không. Khi đó, bạn nam đóng vai trò như một người bạn đồng hành bên cô ấy chứ không phải là người chịu trách nhiệm hộ cho cảm xúc của cô ấy nữa.

3. Khi vấn đề đó đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn quá mệt mỏi vì phải nghe than thở nhưng cô ấy không chịu thay đổi. Lúc này bạn cần CẢNH BÁO để cô ấy ý thức được vấn đề.

Ví dụ:

Cô ấy than thở rất nhiều về môi trường làm việc, ngày nào đi làm về cũng khóc lóc, kêu ca công việc áp lực quá. Bạn đã nghe và thậm chí khuyên cô ấy có thể nghỉ ở nhà, bạn sẽ hỗ trợ tài chính để cô ấy tìm công việc khác, nhưng cô ấy không chịu nghe lời. Lúc này, bạn có thể nói:

– Anh đã nghe em kêu ca về chuyện công việc rất nhiều lần rồi và đã đưa ra cách xử lý, nhưng em không chịu nghe theo. Bây giờ hàng ngày em đi về nhà trong tâm trạng bực bội, khó chịu như vậy, không còn tâm trí để quan tâm tới điều gì khác. Thử đặt vị trí của em vào anh thì liệu em có muốn ở bên rồi yêu thương một người như thế không?

Anh có thể sẵn sàng cùng em vượt qua khó khăn, nhưng em cũng cần cho anh thấy là em giữ được tinh thần lạc quan và quyết tâm vượt qua nó. Còn nếu em cứ giữ cảm xúc tiêu cực như hiện tại, anh sợ rằng mối quan hệ của chúng mình và tâm trạng của anh cũng bị ảnh hưởng theo em đấy.

Em nên suy nghĩ kỹ rồi trả lời anh xem em có muốn xử lý dứt điểm việc này hay không, hay em sẽ tiếp tục để nó làm cho tinh thần của cả em và anh đều bị mệt mỏi như vậy.

4. Khi cảm xúc của cô ấy là những sự suy diễn quá vô lý và khó có thể chấp nhận được, bạn cần có NGUYÊN TẮC 3 LẦN.

Ví dụ:

Cô ấy ghen tuông với mọi cô gái mà bạn có tương tác (đồng nghiệp, bạn cũ, khách hàng, các cô gái trên mạng,…). Thậm chí tới cả em gái của bạn cô ấy cũng so đo thiệt hơn, cho rằng bạn cần phải ưu tiên cô ấy hơn cả em gái. Lúc này, bạn có thể cư xử như sau:

– Thử tìm hiểu lý do xem vì sao cô ấy bất an và dễ ghen tuông như vậy.

Do bạn chưa cho cô ấy cảm giác tin cậy trong mối quan hệ này? Do cô ấy tự ti về điều gì đó? Do cô ấy là người thích kiểm soát và nóng nảy trong mọi việc? Do bạn có những hành động dễ gây hiểu lầm với các cô gái khác? v.v…

=> Cả hai cần xác định rõ lý do là gì và điều chỉnh với nhau, cố gắng không để lặp lại cảm xúc khó chịu đó nữa.

– Bạn tự đặt ra giới hạn cho cô ấy là 03 lần. Nếu sau 03 lần và cô ấy ngày càng ghen tuông mù quáng, mong muốn kiểm soát bạn nhiều hơn, xâm phạm tới quyền riêng tư cá nhân của bạn, thì bạn cần nói thẳng cho cô ấy hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề:

Anh cảm thấy mình không được tôn trọng khi em ghen tuông vô lý, nghi ngờ sự chung thủy của anh rồi luôn tỏ thái độ khó chịu. Việc này đã lặp lại 2 lần. Anh đã tự xem xét, điều chỉnh lại bản thân và cũng chưa hề làm gì có lỗi với em cả. Thế nhưng, em vẫn không hài lòng và muốn kiểm soát anh nhiều hơn.

Anh cảm thấy qua sự việc này, tình cảm anh dành cho em đang bị sụt giảm đi rất nhiều. Nếu em muốn chúng ta tiếp tục yêu nhau, thì em nên tự suy nghĩ và thay đổi thái độ với anh. Còn nếu không, chúng ta sẽ phải chia tay vì mọi việc sắp vượt giới hạn chịu đựng của anh rồi.

Việc nói rõ giới hạn chịu đựng của mình (áp dụng cho cả nam và nữ) là “điều luật” cần thiết khi các cặp đôi xảy ra mâu thuẫn, trong khi vấn đề gây tranh cãi đó vẫn lặp đi lặp lại nhưng không được các bạn xử lý dứt điểm. Nó cũng giúp giảm cảm giác căng thẳng tốt hơn, bởi thay vì tốn năng lượng tranh cãi, các bạn sẽ biết cách nói năng điềm tĩnh hơn và dành thời gian để suy nghĩ giải quyết vấn đề.

Đây là cách mình hướng dẫn các bạn nam xử lý tình huống trong mối quan hệ. Có bạn sau khi đọc xong sẽ tự hỏi rằng cần làm sao để có tư duy xử lý tình huống được như vậy, cũng như có nhiều tình huống khó hiểu khác nữa từ phụ nữ thì em nên trả lời làm sao, v.v…

Nếu các bạn quan tâm tới những vấn đề này và mong muốn có thêm kinh nghiệm để duy trì một mối quan hệ nam – nữ tốt đẹp hơn, hãy đăng ký khóa học 18+ RCA Academy dành riêng cho nam giới nhé.

Bài gốc: http://surl.li/rmqqg

#reviewchuyenay

Review mọi thứ về "Chuyện Ấy".

Back to site top
error: Content is protected !!