Những mẩu cảm xúc li ti (1)

Với kinh nghiệm từ các trường hợp tư vấn 1:1, mình nhận ra rằng có khá nhiều bạn nữ sẽ cảm thấy buồn và đánh giá chồng/bạn trai mình là người… vô tâm khi nam giới thường gạt đi cảm xúc của cô ấy vì cho rằng những điều đó là quá nhỏ, không đáng để phải bận tâm đến thế.

Ví dụ 1:

Vợ đi về nhà, ấm ức kể với chồng rằng hôm nay mình bị sếp và đồng nghiệp nói xấu sau lưng. Chồng nghe chưa hết câu chuyện đã nói:

– Sao em không để tâm vào chuyện gì có ích hơn đi? Trong khi anh thì bận bù đầu lo kiếm tiền, em suốt ngày than thở mấy cái drama vớ vẩn ở công ty.

Ví dụ 2:

Bạn nữ nói với bạn trai rằng công việc của mình đang có vấn đề chưa xử lý được nên cảm thấy bế tắc và chán nản. Bạn trai nghe xong dành hẳn 30 phút để thao thao bất tuyệt giảng giải cho bạn gái:
– Em phải làm cái A, cái B, cái C như thế này này. Xong rồi làm tiếp tới cái D này nhé. Do chuyên môn của em chưa vững nên thế đấy. Em xử lý từng bước thì mới xong việc được.

Nhưng sau khi nhiệt tình đưa ra giải pháp như vậy, bạn trai không những không được cảm ơn mà còn bị bạn gái xị mặt ra, rơm rớm nước mắt giận dỗi: Anh chạ thương em!

Ví dụ 3:

Bạn nữ thích chia sẻ về các hoạt động trong ngày với bạn trai nên đi đâu cũng chụp ảnh gửi cho anh ấy. Nhưng anh bạn trai thường bận rộn nên luôn nhanh chóng “cắt đứt” cuộc hội thoại hoặc cứ 3 4 tiếng sau mới phản hồi tin nhắn. Dần dần, bạn nữ cảm thấy câu chuyện của mình không được hưởng ứng nên ngại, không muốn chia sẻ gì với bạn trai nữa.

Khi các bạn gái có những cảm xúc khó chịu như: buồn, lo lắng, mệt mỏi hoặc bất an.., các bạn rất mong sẽ nói ra với người yêu/chồng mình để được an ủi, động viên. Thế nhưng, sẽ có nhiều lúc các bạn nam phản ứng thế này:

1. Xem nhẹ cảm xúc của cô ấy: Em toàn để bị khó chịu vì những cảm xúc linh tinh, trong khi bao nhiêu việc quan trọng khác thì không tập trung làm.

2. Phớt lờ cảm xúc của cô ấy: Anh mệt quá, thôi anh đi ngủ đây. Em đừng nghĩ nhiều nữa, ngủ đi. Mai dậy là hết.

3. Không đồng cảm, chỉ muốn nhanh chóng đưa ra giải pháp: Thay vì lắng nghe rồi bênh vực hay động viên, nam giới thường nhanh chóng đưa ra lời khuyên nhủ, thậm chí chỉ trích những chuyện cô ấy đang làm sai để muốn cô ấy rút kinh nghiệm.

Các bạn gái khi gặp phải những cách phản ứng như vậy nhiều lần, họ sẽ dần trở nên dễ tủi thân, hay giận dỗi vô cớ.

Có bạn thì cố gắng chịu đựng, quen dần cảm giác không được bạn trai thấu hiểu và sinh ra ấm ức lâu dài, không còn muốn chia sẻ, trò chuyện gì với bạn trai nữa.

Một số bạn khác thì sinh ra tâm lý “ăn miếng trả miếng”: Anh không lắng nghe tôi, xem nhẹ cảm xúc của tôi thì sao tôi phải lắng nghe anh? Thế nên, khi bạn nam muốn trao đổi, tâm sự gì đó, các bạn cũng nhận về phản ứng thờ ơ của bạn gái chứ không còn sự thông cảm hay tinh thần hợp tác gì nữa. Mối quan hệ dần xấu đi, cả hai thiếu sự kết nối vì không ai còn muốn nghe người kia nói.

Vậy các cặp đôi có cách nào để tránh được vấn đề này hay không? Trước tiên, muốn biết cách xử lý thì các bạn nên hiểu về sự khác biệt trong suy nghĩ giữa Nam và Nữ.

Khác biệt trong suy nghĩ

Vì sao phụ nữ có nhu cầu chia sẻ cảm xúc thường xuyên?

Dải màu cảm xúc của phụ nữ vốn đã sống động và biến đổi linh hoạt hơn rất nhiều so với nam giới.

Họ có thể thoáng vui, thoáng buồn, dễ hoang mang, tủi thân, cô đơn, tức giận, lo lắng, ghen tuông, rồi lại vui vẻ trở lại v.v… chỉ trong vài ngày hay thậm chí vài tiếng đồng hồ. Càng là các cô gái trẻ và nhạy cảm thì cảm xúc của họ càng trở nên đa dạng, biến đổi nhanh chóng và phức tạp hơn.

Tới khi các bạn nữ trưởng thành hơn, phải gánh vác nhiều trọng trách trong gia đình cũng như ngoài xã hội, họ mới dần phải dùng tới lý trí nhiều và giữ cho cảm xúc ổn định hơn được. Hoặc không. =))

Đa số phụ nữ dù ở lứa tuổi nào cũng có nhu cầu chia sẻ cảm xúc. Kể cả khi gặp khó khăn, trở ngại gì đó, họ cũng cần đi than thở, “buôn chuyện” ở đâu đó, nhận về sự an ủi cho vơi bớt nỗi niềm xong rồi sau đó mới bắt tay vào xử lý được.

Vì sao đàn ông ít khi chia sẻ được cảm xúc với phụ nữ?

Ngược lại với phụ nữ, nam giới có bản năng tập trung giải quyết vấn đề, cộng với việc họ được dạy dỗ từ bé rằng: Là đàn ông thì không được phép nhạy cảm, yếu đuối. Thế nên, đa số đàn ông có khả năng kìm chế cảm xúc và ít khi bộc lộ hay chia sẻ nó ra ngoài.

Khi gặp khó khăn, có nỗi niềm gì đó phiền muộn, đàn ông cũng ít khi ngồi kể lể, than vãn với nhau. Họ âm thầm tự giải quyết vấn đề một mình, tới khi nào xong xuôi mới tụ tập trở lại.

Vậy nên, khi tiếp xúc với những cảm xúc vô cùng sống động của phụ nữ, nếu chúng là những thứ tích cực và vui vẻ ở thời gian hẹn hò, nam giới thường cảm thấy bị thu hút bởi cô gái đó thật tươi mới, hoàn toàn khác với thế giới đàn ông khô khan, cạnh tranh khốc liệt mà họ phải tiếp xúc hàng ngày.

Nhưng tới khi yêu nhau hoặc về chung sống một nhà, cảm giác tươi mới giảm đi, cảm xúc tiêu cực xuất hiện nhiều hơn, một vài người đàn ông sẽ khó chịu và dần hết kiên nhẫn với cô gái của mình. Họ coi những lần cô ấy bộc lộ cảm xúc là mè nheo, cằn nhằn, hay hờn dỗi, trẻ con… Họ chỉ muốn phớt lờ mấy cảm xúc đó đi hoặc tìm giải pháp để mau chóng khiến cô ấy thay đổi.

Ngoài ra, còn có những lý do liên quan tới kỹ năng giao tiếp không ổn giữa 2 người, khiến cho quá trình chia sẻ cảm xúc gặp vấn đề.

Ví dụ:
1. Bạn nam cũng đang mệt mỏi và khó chịu, nhưng bạn gái không biết và tiếp tục muốn trút lên đầu bạn trai những suy nghĩ tiêu cực, bày đặt giận dỗi, khóc lóc… Bạn nam quá mệt mỏi, đầu óc như muốn nổ tung.

2. Bạn nam đang tập trung vào việc khác (đang bận làm việc, gia đình có biến cố, đang mải xem tivi, chơi game, đi nhậu với bạn, v.v…) và bạn gái vẫn lèo nhèo ỉ ôi bên cạnh hoặc nhắn tin liên hồi mong muốn bạn trai phản ứng ngay. Nhưng anh bạn trai không thể chia não ra làm hai để xử lý kịp được.

3. Bạn gái diễn đạt vấn đề lòng vòng, khó hiểu, muốn bạn trai tự “đoán ý” mình. Bạn trai không nắm bắt được ý của bạn gái là đang mong muốn mình làm gì cho cô ấy.

4. Bạn gái nói chuyện theo kiểu áp đặt và suy diễn, đổ lỗi cho bạn nam là người có lỗi trong mọi chuyện. Ví dụ chỉ cần bất cứ điều gì chồng/bạn trai không làm theo đúng như ý cô ấy muốn, cô ấy suy diễn thành: Anh chẳng yêu em! Hoặc bạn trai tương tác với bất cứ cô gái nào, ở bất cứ đâu, cô ấy cũng nghi ngờ và suy diễn thành bạn trai sắp cặp bồ đến nơi.

Cảm xúc của nam giới khi phải đón nhận những điều này là vô cùng ức chế và tổn thương, giống như đứa trẻ con không hề ăn trộm nhưng bị đổ tội cho thành ăn trộm, “vì nhìn mặt mày gian”🙂

5. Cảm xúc tiêu cực của bạn gái đã lặp đi lặp lại nhiều lần mà cô ấy không muốn xử lý triệt để. Bạn trai đã hết kiên nhẫn lắng nghe nên chỉ muốn nhanh chóng dẹp câu chuyện sang một bên vì cảm thấy những lời khuyên nhủ, dỗ dành của mình là vô ích.

Giờ xử lý làm sao?

Có cách nào để các cặp đôi dung hòa được chuyện này hay không? Phải làm sao để các bạn gái vẫn thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ cảm xúc, còn các bạn nam không bị áp lực hay không bị suy diễn thành người vô tâm với bạn gái nữa?

Câu trả lời của mình là các bạn cần dạy nhau những “nguyên tắc” khi chia sẻ cảm xúc.

Mà dạy nhau thế nào thì để sang post tiếp theo nói nhé, vì bài viết cũng tương đối dài rồi. 😊
_______________

Bài viết trên đây là một phần nội dung nhỏ mà các bạn nam và nữ sẽ được học trong các khóa học 18+ RCA Academy của chúng mình. Ở cấc bài sau mình sẽ giúp các bạn hiểu ra cách nhìn nhận tình huống của từng giới khác nhau và nên xử lý thế nào khi có các vấn đề mâu thuẫn phát sinh.

Khi tham gia khóa học, các bạn sẽ được trang bị thêm kiến thức và kinh nghiệm để hiểu biết hơn về chính mình và đối phương, cũng như dần dần học hỏi được cách ứng xử trong các tình huống thông thường của các cặp đôi. Để từ đó, các bạn CHỌN ra được những hành động giúp gắn kết và phát triển mối quan hệ bền vững hơn.

Bài gốc: http://surl.li/rmqnh

#reviewchuyenay

Review mọi thứ về "Chuyện Ấy".

Back to site top
error: Content is protected !!