Làm sao để tình d.ục “bớt” trở thành nguyên nhân của ngoại tình? (Phần 1)
Đây là một bài viết nằm trong serie nói về ngoại tình. Các bạn có thể đọc bài viết trước đó bằng cách click vào hashtag #ngoaitinh nhé.
Trước tiên, để bàn về chuyện ngoại tình thì chúng ta cần hiểu ngắn gọn thế này: Một khi đã có chế độ hôn nhân 1:1, chắc chắn sẽ luôn có người ngoại tình, không kể người đó là nam hay nữ.
Lý do vì sao? Vì người ta có thể ngoại tình do bản chất con người họ như thế: Ưa thích cảm giác mới mẻ phiêu lưu, chỉ thỏa mãn khi có nhiều bạn tình cùng lúc, v.v…
Thế nhưng không phải ai cũng có bản chất ngoại tình. Vậy nên ở đây, chúng ta sẽ bàn đến trường hợp những người bình thường, đã, đang và sẽ sống trong hôn nhân. Làm sao để chúng ta tránh rơi vào những trường hợp ngoại tình do thiếu thốn tình d.ục hay tình d.ục giữa 2 bên không hòa hợp?
Bài viết hôm nay sẽ đi vào phần đầu tiên – Những kinh nghiệm giúp bạn lựa chọn bạn đời là người có khả năng ngoại tình thấp.
Lưu ý: Bài viết có sự đóng góp ý tưởng của admin Wulf và là kiến thức từ những kinh nghiệm cá nhân của chúng mình. Thế nên, các bạn đọc có thể bổ sung thêm ý kiến cho chủ đề này để bài viết hoàn thiện hơn.
1. Lựa chọn đúng đối tượng kết hôn
Yêu đương không chỉ là câu chuyện của cảm xúc bay bổng. Lựa chọn đối tượng kết hôn cũng không chỉ là mấy tiêu chí bề nổi như ngoại hình ra sao, công việc gì, lương bao nhiêu, gia cảnh tốt hay không…
Nếu các bạn kết hôn lúc còn trẻ quá, kiểu “bỗng dưng” muốn cưới là cưới thì thôi, chúng mình đổ tại duyên số một chút cũng được Còn bạn nào đã ở tuổi 25+, đang đọc bài này và muốn có chồng/vợ chung thủy thì nên cân nhắc thêm tiêu chí này nữa: Những phẩm chất cơ bản của người có tính chung thủy cao là gì? Người yêu các bạn có phẩm chất đó hay không?
1.1. Hai người đã trên 27 tuổi và đã có một số kinh nghiệm tình trường nhất định
Trên 27 tuổi là độ tuổi trung bình để nhân cách của các bạn đã hoàn thiện và không có sự thay đổi quá nhiều. Còn kinh nghiệm tình trường, theo mình là điều kiện cần thiết để các bạn sống thực tế hơn, bớt mơ mộng và biết mình cần điều gì cho một mối quan hệ hôn nhân lâu dài.
1.2. Anh ấy/Cô ấy là người bộc lộ tình cảm chân thật, rõ ràng
Người khiến bạn cảm thấy bí ẩn, tò mò, rất khó đoán biết cảm xúc hay hành động tiếp theo của họ là gì thì là người “không an toàn” để yêu.
Tuy nhiên, kiểu người không an toàn lại cuốn hút và có thể khiến các bạn mê mẩn không lối thoát. Thế nên, chỉ khi có kinh nghiệm yêu, trải qua thất bại vài lần mới có thể giúp bạn lý trí hơn.
1.3. Anh ấy/Cô ấy có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt
Không dễ tức giận, ghen tuông quá đà; không dễ bức xúc khi phải chịu đựng cảm giác nhàm chán; không hành động thiếu lý trí, v.v…
Người biết kiểm soát cảm xúc tốt thì xác suất họ bị những rung động ngoài luồng làm cho xao nhãng và đi tới việc phản bội đối phương cũng thấp hơn.
1.4. Anh ấy/Cô ấy không có những vấn đề tâm lý nghiêm trọng
Người đang có vấn đề tâm lý nghiêm trọng (ví dụ đang bị tr.ầm c.ảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lưỡng cực…) thì việc đầu tiên cần làm là tập trung điều trị bệnh và học cách đối xử tốt với bản thân. Sau khi khỏi bệnh rồi mới nên bước chân vào 1 mối quan hệ tình cảm nào đó.
Mình nói ra điều này có thể khiến một số bạn trẻ “thần thánh hóa” tình yêu không đồng tình vì: Ai cũng có quyền được yêu chứ, v.v…. Tuy nhiên, qua những trường hợp mình đã tư vấn thì mình nhận thấy nó là điều kiện cần thiết để giúp mối quan hệ lành mạnh hơn. Người đang có vấn đề tâm lý thì khả năng kiểm soát cảm xúc rất kém, thế nên đôi khi họ sẽ chỉ hành động theo những cảm xúc xấu mà không thể nghĩ đến đối phương.
1.5. Anh ấy/Cô ấy có tính cam kết cao trong nhiều việc khác
Người có thể duy trì những thói quen tốt hay những sở thích lành mạnh trong nhiều năm là người không thể coi thường. Và những người như vậy cũng sẽ có xu hướng chung thủy cao hơn những người “cả thèm chóng chán”. Điều này dễ hiểu thôi, vì có bao nhiều thời gian thì họ tập trung cho đam mê, sở thích riêng rồi, chuyện trai gái không nằm trong phạm vi quan tâm của họ.
1.6. Uy tín cá nhân cao, giữ lời hứa với những người khác
Người có thể giữ lời là người tập trung vào hành động thực tế thay vì nói năng ba hoa và thể hiện bản thân quá đà. Họ giữ lời ở những việc nhỏ thì sẽ có khả năng giữ lời cao hơn trong những việc lớn.
1.7. Anh ấy/Cô ấy không có lịch sử “cắm sừng” người khác trong các mối quan hệ trước đây
Một người có thể yêu đương, hẹn hò một lần hay nhiều lần mới tìm thấy đối tượng phù hợp. Nhưng người từng “cắm sừng” người khác thì khả năng họ lặp lại chuyện đó trong mối quan hệ tiếp theo sẽ cao hơn. Thế nên những người như vậy sẽ cần thời gian thử thách nhiều hơn trước khi bạn có thể tin tưởng được họ.
1.8. Bầu không khí trong gia đình Anh ấy/Cô ấy như thế nào
Trước khi đến tuổi trưởng thành thì gia đình là nơi quan trọng nhất, ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách của một con người. Gia đình nghèo khó hay thiếu vắng bố hoặc mẹ chưa phải điều gì quá đáng ngại. Nhưng gia đình từng có nhiều xáo trộn bất ổn, bố mẹ và con cái, anh chị em trong nhà không trò chuyện, giao tiếp được với nhau thì đứa con khả năng sẽ ít có niềm tin vào tình yêu và hôn nhân, cũng như tính cách sẽ gặp nhiều vấn đề bất ổn hơn.
Các bạn có thể bổ sung thêm một số tiêu chí khác dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Còn với mình thì đây là những dấu hiệu nhận biết cơ bản nhất mà các bạn có thể kiểm định được về đối phương sau từ 06 tháng đến 01 năm tìm hiểu nhau nhé.
Phần 2: Tìm hiểu những gì về segg khi yêu nhau? (Hôm sau post tiếp).