Những mẩu cảm xúc li ti (3)

Trong phần 1, mình đã phân tích sơ bộ cho các bạn biết những lý do vì sao đàn ông thường khó lắng nghe hay chia sẻ được cảm xúc với vợ/bạn gái của mình.

Và mình đặt câu hỏi rằng: Có cách nào để các cặp đôi dung hòa được chuyện này hay không? Phải làm sao để các bạn gái vẫn thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ cảm xúc, còn các bạn nam không bị áp lực hay không bị người ấy suy diễn thành người vô tâm với bạn gái nữa?

Câu trả lời của mình là các bạn cần dạy nhau những “nguyên tắc” khi chia sẻ cảm xúc.

Phần 2 đã nói tới những điều các bạn nam cần làm. Còn hôm naylà một số điều mà các bạn nữ cần hiểu để xử lý vấn đề này nhé.

Về phía nữ giới

1. Giận dỗi, ghen tuông, hay chia sẻ bất cứ cảm xúc khó chịu nào là một phần “đặc quyền” của các bạn với bạn trai mình/chồng mình.

Các bạn sẽ không thể vô duyên vô cớ đi giận dỗi với nam giới khác – những người sẽ không cho phép các bạn có quyền được trút cảm xúc xấu lên họ. Và tương tự, các chàng trai nếu không yêu thương các bạn thì họ cũng không bao giờ phải tốn thời gian để giải thích hay chịu đựng sự “khó ở” của bạn làm gì cả.

Các bạn hiểu nó là đặc quyền rồi thì hãy sử dụng nó đúng nghĩa là đặc quyền. Đừng bao giờ làm mọi thứ quá đà, cũng như đừng lạm dụng nó, vì một khi đã chạm tới ngưỡng chịu đựng của nam giới thì tình cảm họ dành cho bạn cũng sẽ một đi không trở lại.

2. Đúng là cảm xúc của phụ nữ nhiều khi sẽ thất thường và dễ biến đổi tới mức chính các bạn cũng không hiểu được cảm xúc của mình. Do đó, ở đây mình không khuyên hay áp đặt các bạn là phải cố gắng “nhịn” bớt cảm xúc khó chịu đi. (Một vài bạn cho rằng nhịn như thế tức là “hiểu chuyện”, thì không hề đúng đâu nhé).

Lời khuyên của mình là cần thẳng thắn nhìn nhận cảm xúc của mình và sau đó CHỌN cách biểu hiện nó khác đi, để mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, dễ hiểu hơn với nam giới.

Ví dụ:

Bạn có có cảm xúc tức giận vì chồng làm gì đó không đúng ý mình. Thay vì sưng mặt lên, đá thúng đụng nia, nói năng mỉa mai hoặc cằn nhằn bạn trai, các bạn có thể nói như sau:

– Em đang cảm thấy giận vì em muốn anh làm chuyện abc như thế này, nhưng anh làm không đúng như ý em. Lý do em muốn như vậy là vì…

– Cảm xúc của em bây giờ đang rối ren lắm, em sợ sẽ nói điều gì đó khiến anh tổn thương. Nên anh để cho em ở 1 mình để suy nghĩ một lát. Rồi tí nữa em nói chuyện với anh sau ạ.

Khi các bạn nói ra như vậy, cơn giận dữ cũng được chuyển biến mềm mại hơn, các bạn và anh bạn trai đều biết cư xử bình tĩnh, tôn trọng nhau hơn.

3. Hãy hiểu là bạn trai không phải lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe hay chịu đựng cảm xúc xấu của bạn.

Như phân tích đã nói ở những phần trước, các bạn sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào anh ấy cũng có thể ở bên để lắng nghe, an ủi hay dỗ dành bạn như mong muốn. Trong bối cảnh cuộc sống còn nhiều vấn đề khác phải quan tâm, nếu các bạn luôn kỳ vọng anh ấy là người giúp bạn xử lý mọi cảm xúc tiêu cực, ưu tiên vấn đề của bạn lên trước tiên, thì các bạn sẽ càng dễ thất vọng và khó lòng chung sống được với một người đàn ông nào mà không cảm thấy rằng họ vô tâm với mình. Bởi vì, ai cũng sẽ có lúc vô tâm như vậy thôi. (Hoặc nếu không, anh ta cần là một người siêu rảnh và nhiệm vụ duy nhất khi tới Trái Đất chỉ là để cưng chiều bạn).

Vậy phải làm thế nào khi các bạn có nhu cầu được lắng nghe và chia sẻ?

Thứ nhất, tự chủ cảm xúc của bản thân.

Khi bạn có một suy nghĩ tiêu cực, dù lý do là bởi bất cứ điều gì, hãy hiểu cảm xúc đó là của chính bạn, nên bạn phải tự tìm cách xử lý nó. Vai trò của bạn trai hay chồng chỉ là người đồng hành, thỉnh thoảng chia sẻ với bạn thôi, chứ họ không có nghĩa vụ phải làm như thế.

Thứ hai, lựa chọn thời điểm chia sẻ phù hợp.

Khi người ta đang không trong tâm trạng thoải mái và tập trung vào bạn, thì bạn không thể ép họ lắng nghe hay dỗ dành mình. Vì bạn có cố ép thì cũng không có tác dụng. Thế nên, phải lựa chọn thời điểm.

Ví dụ:

– Anh ơi, em biết là anh đang bận, nhưng cho em than thở với anh 30 phút được hong?

– Anh ơi, anh đã xong việc chưa? Em có chuyện này muốn nói với anh. Em đang có cảm xúc không tốt lắm và em cần anh giúp xử lý nó.

Thứ ba, tìm tới sự chia sẻ với bạn bè hoặc chuyên gia về tình cảm, tâm lý.

Một số bạn bị phụ thuộc cảm xúc vào bạn trai/chồng, nên mong muốn chồng vừa đóng vai trò là chồng, là cha, là anh trai, cũng đồng thời phải như bạn bè tri kỷ. Phải sắm nhiều vai một lúc như vậy, khó ai có thể đảm nhận tốt, và cũng vô tình khiến anh ấy cảm thấy ngột ngạt trong mối quan hệ.

Thế nên, thay vì chỉ tập trung chia sẻ mọi thứ với anh ấy, các bạn cần có thêm những sở thích và các mối quan hệ xã hội chất lượng khác, để khi trở về bên nhau, cảm xúc của các bạn được cân bằng hơn, không còn dễ vui dễ buồn chỉ vì từng hành động, lời nói của anh ấy.

Với những bạn nữ có vấn đề cảm xúc quá nghiêm trọng – ví dụ luôn ghen tuông, kiểm soát, không kìm chế được tức giận, tr.ầm c.ảm, rối loạn lo âu, v.v… thì những vấn đề đó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ cũng như đời sống cá nhân của các bạn. Các bạn không thể kỳ vọng bạn trai/chồng mình là 1 người dưng mà lại thấu hiểu mình như bác sĩ tâm lý hay chuyên gia tư vấn tình cảm được. Cần tìm đúng người để xử lý đúng vấn đề cho bạn nhé.

4. Nguyên tắc “có đi có lại”.

Bạn nữ muốn được quan tâm và coi trọng cảm xúc, bạn cũng cần có sự quan tâm và coi trọng tương đương với bạn trai/chồng mình. Giận dỗi anh ấy thì cũng cần cho anh ấy cơ hội giải thích. Cáu giận với anh ấy thì cũng cần hiểu sẽ có lúc anh ấy cư xử với bạn y hệt. Cho đi sự tử tế thì mới mong nhận lại được sự tử tế.

Nếu một mối quan hệ chỉ có 1 người dựa dẫm tinh thần vào người kia, thì nó sẽ thành chuyện của người tư vấn và người nhận tư vấn, hoặc chỉ có tình cảm cha mẹ với con cái thì mới đạt tới cảnh giới yêu thương cao như vậy được. Thế nên, các bạn nữ cần hiểu nguyên tắc này để hạ bớt kỳ vọng của mình vào việc bạn trai/chồng có thể luôn thấu hiểu mình – trong khi các bạn thì ko hề nỗ lực để thấu hiểu người ta nhé.

Bài viết là cách mình hướng dẫn các bạn nam/nữ xử lý tình huống trong mối quan hệ. Có bạn sau khi đọc xong sẽ tự hỏi rằng cần làm sao để có tư duy xử lý tình huống được như vậy, cũng như có nhiều tình huống khó hiểu khác nữa thì em nên trả lời làm sao, v.v…

Nếu các bạn quan tâm tới những vấn đề này và mong muốn có thêm kinh nghiệm để duy trì một mối quan hệ nam – nữ tốt đẹp hơn, hãy đăng ký khóa học 18+ RCA Academy dành riêng cho nam và nữ nhé.

Bài gốc: http://surl.li/rmqqs

#reviewchuyenay

Review mọi thứ về "Chuyện Ấy".

Back to site top
error: Content is protected !!